Qua những đồng nghiệp phản ánh và chính từ những số liệu đến từ các nền tảng khác nhau của tờ báo mình đang làm việc, lượng view tăng đột biến khi HLV Philippe Troussier chia tay.
Điều gì đang chờ đợi ĐT Việt Nam ở phía trước ?
Cũng như ở thời điểm kỳ vọng nhất, mốc tuyệt vọng cùng cực bao giờ cũng là lúc tập trung số lượng view khổng lồ, khi người hâm mộ có cùng chung một thứ cảm xúc. Hoặc là hạnh phúc trào dâng. Hoặc ngược lại, đó là thất vọng đến não nề.
Con số kể trên minh chứng cho thất bại của ĐT Việt Nam dưới thời HLV Philippe Troussier. Một sự thật không thể chối cãi, rằng những kết quả trên sân cho đến chuyện hậu trường đều không thể ủng hộ nhà cầm quân người Pháp. Tất nhiên, nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan tác động gián tiếp hay trực tiếp trong hành trình 1 năm vừa qua của HLV Troussier. Nhưng dù có muốn hay không, trực tiếp bản thân ông Troussier sau cùng cũng không thể đưa đội tuyển Việt Nam tiến về phía trước, xét ở góc độ thành tích giải đấu mang tính quyết định hơn cả.
Câu chuyện “process – tiến trình” mà ông Troussier từng nhiều lần nói có thể xét ở góc độ phát triển của cả một nền bóng đá. Nó bắt đầu từ một khái niệm tưởng chừng như rất cơ bản như đỡ bóng, chuyền bóng, hướng phát triển quả bóng của cầu thủ… cho đến vĩ mô như hệ thống giải chuyên nghiệp, nguồn lực cầu thủ ra nước ngoài và ngược lại là kêu gọi những cầu thủ Việt kiều về nước.
Ông Troussier vẫn ví một ĐTQG như một chiếc xe ô tô. Và chiếc xe đó phải được cấu thành từ rất nhiều bộ phận. Sau cùng, chiếc xe ấy cũng phải được đi trên một con đường bằng phẳng và mịn màng nhất. Có như thế, chiếc xe mới đi đến đích được. Và theo HLV Troussier, dù tài xế đó có là Pep Guaridola hay Jose Mourinho, nhưng chiếc xe không thể có động cơ đủ mạnh, con đường đủ tốt thì cũng khó lòng đi đến cái đích mà tất cả chúng ta kỳ vọng: World Cup! Tất nhiên, như đã chia sẻ kể trên, ông Troussier trong vai trò tài xế rốt cuộc cũng đã không thể lái chiếc xe mang tên ĐT Việt Nam vượt chướng ngại vật. Thậm chí là nó đã bị cài số lùi trong hành trình mà chúng ta thậm chí chưa nhìn thấy đích.
Ông Troussier thất bại và rời đi. Một người khác sẽ lên thay thế. Nhưng trước khi chúng ta quan tâm đến điều đó, câu hỏi mang tính cốt lõi và xuyên suốt hơn nên là: Chiếc xe ấy có thật sự đủ “chiến” hay không? Con đường cho chiếc xe ấy có bằng phẳng hay không nữa? Sau một ngày với những cảm xúc tức giận được tuôn ra, mình tin cũng sẽ có những người trấn tĩnh lại, nhìn nhận sự việc một cách toàn diện hơn, rành mạch hơn.
Như Đỗ Hùng Dũng nói, HLV đến rồi đi, còn đội tuyển Việt Nam thì còn mãi. Đúng. Có một thứ để đội tuyển Việt Nam tiến lên mà không phải chịu ảnh hưởng quá sâu sắc đến từ từng HLV đến rồi đi. Đó là kỹ năng, tư duy và sự chuyên nghiệp sân cỏ. Các tuyển thủ quốc gia Việt Nam của mình về cơ bản vẫn hay ở bình diện V.League hoặc mở rộng hơn là thừa sức toả sáng ở những giải như Malaysia, Indonesia. Tuy nhiên khi vươn lên từ Thái Lan trở đi, chúng ta sẽ thấy có những vấn đề cần phải tự phát triển hơn về kỹ năng. Câu chuyện Xuân Trường ở Buriram hay xa hơn là việc các tuyển thủ chất lượng của chúng ta gặp vất vả khi xuất ngoại là một minh chứng.
Nhìn cách Indonesia hơn được Việt Nam ở góc độ cá nhân, với những gương mặt Indonesia kiều đạt trình độ chơi bóng thường xuyên ở giải hạng trung và khá tại châu Âu, mình tin người hâm mộ Việt Nam sau thời gian bức xúc với ông Troussier sẽ phải nhìn nhận thẳng thắn. Đó là nếu Việt Nam chí ít muốn thật sự có được sức bật một cách dài hơi, chứ không hẳn chỉ là một giai đoạn bùng nổ và vượt ngưỡng, tư duy chơi bóng và kỹ năng chơi bóng sẽ cần phải nỗ lực thêm nhiều. Kể cả chuyện hội tụ được các Việt kiều chất lượng cao thì nội lực của Việt Nam phải lên thêm đã.
Ý thức và sự chuyên nghiệp của cầu thủ và nền bóng đá cũng là điều phải nhìn nhận. Giải V.League hiện tại mức độ cạnh tranh rất hấp dẫn. Nhưng nhìn rộng hơn là các đội còn lại rồi giải hạng Nhất, hạng Nhì đều có lúc rơi vào biến cố về tài chính, ông chủ… Bản thân nhiều cầu thủ cũng đang rơi vào sự bao bọc một cách không chuyên nghiệp đến từ đại diện. Chẳng nói đâu xa, ngay trong câu chuyện tháng 10, có trường hợp còn muốn lên thẳng phòng của cầu thủ khi ĐTQG Việt Nam bước vào giai đoạn nghỉ ngơi thời điểm 22h00 tối. Lại còn có trường hợp gây rối, tác động đủ mọi yếu tố để khiến không chỉ HLV trưởng mà các trợ lý đội tuyển cũng cảm thấy phiền phức, mệt mỏi.
Suy cho cùng, liệu chúng ta có nên chỉ nghĩ rằng cần phải chọn một HLV phù hợp với văn hoá, con người Việt Nam hay không? Mình cho rằng nó là phương án tạm thời chứ không phải là điều đi lên của nền bóng đá vốn thuộc diện đang phát triển như Việt Nam. Bởi nếu nó chỉ dừng lại như vậy thì chúng ta cũng chỉ có thể thúc đẩy Việt Nam cùng lắm vươn lên một ngưỡng trên tầm Đông Nam Á chứ chưa hẳn là câu chuyện châu Á hay thế giới.
Nhìn lại câu chuyện chính futsal Việt Nam để chúng ta thấy được cách bộ môn bóng đá này đã vươn tầm thực sự như thế nào. Một HLV Thái Lan, một HLV Italia rồi tiếp đến là một HLV rất trình độ ở Tây Ban Nha. Trong diễn biến ấy, chính bộ kỹ năng và sự chuyên nghiệp của các cầu thủ cũng đã vươn tầm, để phù hợp với một quy chuẩn hiện đại (meta) của futsal thế giới.
Click bongdanet nhận định để cập nhật những trận kèo thưởng cao nhất mỗi ngày.