Hãy thử nhìn lại lịch sử của bóng đá Việt Nam trong tương quan với việc sử dụng ngoại binh tại V-League. Có thể tạm chia ra 3 giai đoạn sau đây:
Giai đoạn 2000 – 2007: Luồng gió mới
Đây là giai đoạn giải VĐQG bắt đầu gắn mác chuyên nghiệp và cho phép các CLB sử dụng cầu thủ ngoại. Ở giai đoạn này, V-League cơ bản áp dụng chính sách là cho mỗi CLB đăng ký tối đa 5 ngoại binh, ra sân tối đa 3.
Giai đoạn này là giai đoạn mà đội tuyển nhìn chung là khá ổn, tuy cũng có một số thời điểm thất bại nhưng nhìn chung là luôn thể hiện được vị thế của một đội mạnh ở Đông Nam Á, thậm chí có cả những kết quả khả quan ở châu lục như là năm 2007. Chất lượng nội binh ở giai đoạn này khá tốt, trải đều các tuyến. Tiêu biểu có thể kể đến Như Thành, Huy Hoàng, Phước Tứ, Phước Vĩnh,… ở hàng thủ, Hữu Thắng, Quốc Vượng, Minh Phương, Trường Giang, Tài Em,… ở tuyến giữa, Quốc Anh, Vũ Phong, Tấn Tài, Thành Lương,… ở hai hành lang cánh. Đặc biệt, ở hàng tiền đạo, có thể nói đây là giai đoạn BĐVN có nhiều chân sút giỏi nhất, với những cái tên nổi bật như Văn Quyến, Công Vinh, Thanh Bình, Việt Thắng, Anh Đức, Quang Hải, chưa kể đến 1 số cái tên tầm khá khác.
Giai đoạn 2008 – 2014: Đâu đâu cũng là “Tây”
Quy định ngoại binh tại V-League vẫn là đăng ký 5 ra sân 3 (đến năm 2011 thì giảm xuống 4-3). Tuy nhiên, đây là giai đoạn chứng kiến xu hướng nhập tịch cho ngoại binh, mở đầu là những cái tên như Phan Văn Santos (Gạch Đồng Tâm Long An), bộ đôi Đoàn Văn Sakda – Đoàn Văn Nirut (HAGL), Đinh Hoàng La – Đinh Hoàng Max (Ninh Bình), hay Huỳnh Kesley, Nguyễn Rogerio, Hoàng Vũ Samson,… Việc này đã giúp các CLB lách quota về ngoại binh và có thể ra sân với nhiều “Tây” hơn. Không ít trận đấu tại V-League đã chứng kiến những CLB như Bình Dương, Xuân Thành Sài Gòn,… ra sân với 6 đến 7 “Tây” trong đội hình.
ĐTQG với nòng cốt là thế hệ cầu thủ trưởng thành từ giai đoạn 2000-2007 đã lên ngôi vô địch ĐNA vào năm 2008. Tuy nhiên sau đó thành tích của đội tuyển bắt đầu sa sút dần và BĐVN bước vào giai đoạn có thể nói là đen tối bậc nhất trong lịch sử, khi bị loại ngay từ vòng bảng AFF 2012 và SEA Games năm 2013.
Lứa cầu thủ nội xuất hiện trong giai đoạn này, dù vẫn có một số cầu thủ khá tài năng, song lại không đồng đều. Chẳng hạn, ở vị trí tiền đạo, bóng đá VN giai đoạn này không sản sinh được cái tên nào chất lượng, trong bối cảnh những cái tên có tiềm năng như Văn Thắng, Đình Bảo, Đình Tùng,… đều phải dạt cánh ở CLB do không thể cạnh tranh với tiền đạo ngoại. Thậm chí cho đến cuối giai đoạn này, hàng công ĐTQG vẫn phải dựa vào những cựu binh như Công Vinh, Anh Đức, hay đá trái sở trường như Mạc Hồng Quân. Một vị trí khác mà bóng đá VN cũng thiếu hụt ở giai đoạn này là những tiền vệ trung tâm có khả năng cầm trịch lối chơi, do lối chơi xây dựng tại các CLB hầu như đều xoay quanh ngoại binh, còn các tiền vệ nội chỉ đóng vai trò “xách nước bổ cam”. Chính sự yếu kém về nhân sự ở những vị trí quan trọng như vậy đã khiến cho đội tuyển gặp thất bại thảm hại khi cố gắng vận hành lối chơi kiểm soát bóng, chuyền ngắn nhỏ dưới thời các HLV nội. Khi chuyển sang lối đá phản công, dùng nhiều bóng dài như dưới thời của HLV Miura thì kết quả của đội tuyển có phần đỡ tệ hơn, nhưng cũng không quá thành công.
Giai đoạn 2015 – nay: Thắt chặt ngoại binh
V-League từ mùa giải 2015 đã chính thức đưa ra quy định hạn chế tối đa mỗi đội chỉ được có 1 cầu thủ nước ngoài nhập tịch, bên cạnh đó là hạn chế số lượng ngoại binh chỉ còn tối đa 2 (đến năm 2019 thì mới nâng lên 3). Ngoài ra, quy định mới còn hạn chế hơn nữa việc sử dụng ngoại binh tại giải hạng Nhất.
Ở giai đoạn này, thành tích của bóng đá VN đã có sự khởi sắc trở lại, ban đầu là ở các giải trẻ và đến năm 2018 thì chính là thời kỳ hoàng kim mà chúng ta đều đã biết, với thế hệ cầu thủ xuất sắc bậc nhất trong lịch sử, trải đều ở các tuyến. Việc đẩy mạnh công tác đào tạo cho ra nhiều cầu thủ trẻ tài năng, kết hợp với việc hạn chế sử dụng ngoại binh tràn lan như giai đoạn trước đã tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ được thi đấu nhiều tại V-League và giúp họ nhanh chóng tiến bộ.