Ông Troussier đang gặp nhiều vấn đề, và điều đáng lo là ông chưa làm được điều mà VFF cũng như NHM mong muốn khi chấp nhận trả mức lương cao nhất lịch sử cho một HLV, cùng một bản hợp đồng dài hạn. Cách đá của đội tuyển sau 1 năm, đều cho người ta cảm giác là chả có tiến bộ gì so với ông Park.
Phù hợp hay chỉ là cái mác ?
1. HLV Park Hang Seo đã làm được những gì cho bóng đá Việt Nam, có lẽ hăng trăm ngàn bài viết, bài báo và tình cảm của hàng chục triệu người Việt Nam đã nói lên điều đó.
Nhưng, thứ mà ông Park làm được nhiều hơn những đời HLV trước đó, đó là giúp đội tuyển Việt Nam bước ra ngoài ranh giới khu vực, với một chiến thuật phù hợp với khả năng của đội tuyển khi đó, và phát huy được tối đa sức mạnh cầu thủ khi họ còn ở đỉnh phong độ. Chúng ta cố gắng xây dựng một hàng thủ thật chắc chắn và tận dụng phẩm chất của các cá nhân để tạo nên những khoảnh khắc xuất chúng nhờ với lối đá phòng ngự phản công.
Tất nhiên, giai đoạn cuối trong sự nghiệp của ông Park, nhất là quãng vòng loại thứ 3 World Cup với 7 trận thua liên tiếp, 2 kỳ AFF Cup liên tiếp chịu khuất phục trước người Thái, và lối đá dần bị bắt bài, sự xuống dốc và có vẻ là “mất động lực” từ rất nhiều trụ cột của năm 2018… tất cả những điều đó tổng hòa và dẫn đến việc ông Park chọn chia tay đội tuyển. Nhưng không thể phủ nhận rằng, sự lựa chọn của ông Park đã đúng, và mang lại niềm hy vọng cho CĐV về một đội tuyển tiệm cận đẳng cấp châu lục – ít nhất là trong quãng thời gian trước dịch bệnh.
2. VFF hiểu rằng, di sản của ông Park để lại vẫn là thành tích và sự yêu mến to lớn của NHM nước nhà. Vì thế, họ phải chọn một HLV để đáp ứng và tiếp nối điều đó, nhằm tiến tới những mục tiêu xa hơn nữa, mà đỉnh cao của giấc mơ ấy chính là World Cup – giải đấu dành cho 48 đội tuyển mạnh nhất thế giới.
Có lẽ, nhiều người am hiểu về bóng đá Việt Nam cũng đã đoán ra được ngay khi HLV Park Hang Seo kết thúc hợp đồng, có thể ông Philippe Troussier sẽ là người được chọn, thông qua việc ông từng gắn bó một khoảng thời gian khá dài tại PVF – trung tâm đào tạo bóng đá trẻ hàng đầu tại Việt Nam, cũng như việc ông từng làm HLV trưởng của đội U19 Việt Nam – bây giờ là U23 Việt Nam chuẩn bị tham dự vòng chung kết U23 châu Á 2024. Việc hiểu bóng đá Việt Nam, có những trợ lý người Việt từng gắn bó trong một quãng thời gian rất dài có lẽ là một điểm cộng lớn với “Phù thủy trắng”.
Nhưng, có lẽ nếu so sánh với các HLV khác trong danh sách ứng cử viên, ông Troussier có một điểm trội hơn hẳn so với những người khác, đó là ông đã không chỉ một, mà có tận hai lần tham dự World Cup. France 1998 với đội tuyển Nam Phi, và Nhật Bản – Hàn Quốc 2002, với lần đầu đưa đội tuyển Nhật Bản vượt qua vòng bảng của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Ngoài ra, chức vô địch Asian Cup 2000 cùng Nhật Bản cùng triết lý kiểm soát bóng, tạo ra nhiều bài vở tấn công đa dạng để giúp đội tuyển Việt Nam tự tin đương đầu với mọi đối thủ ở khu vực, chính là một điểm cộng lớn nếu so với tiêu chí của VFF.
Và như thế, ông Philippe Troussier đã “ngồi trên lưng hổ”.
3. Trong số những HLV được cho là có liên hệ với Liên đoàn, có một người cũng đến Việt Nam, nhưng không ngồi vào ghế của ông Troussier, mà là Hà Nội FC – niềm tự hào thủ đô, đội bóng giàu thành tích nhất V League. Người đó là Bozidar Bandovic.
Cũng giống như đội tuyển Việt Nam, HNFC khi ấy đã no nê danh hiệu quốc nội, và lần đầu tiên họ được nắm trong tay tấm vé tham dự AFC Champions League sau bao lần lỡ hẹn. Ban lãnh đạo của đội bóng cũng nghĩ giống VFF, đó là họ cần một HLV đã từng tham dự giải đấu cấp CLB số 1 châu Á, đã có kinh nghiệm dẫn dắt một đội bóng Đông Nam Á. Vừa hay, ông Bandovic lại từng giúp Buriram United lọt vào vòng 1/8 của cúp C1 châu Á vào năm 2017, và ông có bằng UEFA Pro – thứ mà người tiền nhiệm Chun Jae Ho không có, điều kiện tiên quyết để được làm HLV tại giải đấu này.
Ông Bandovic được chọn. Nhưng, người ta quên mất một điều, đó là ông từng thất bại khi dẫn dắt Chennaiyin của Ấn Độ ngay trước khi làm thuyền trưởng của Hà Nội FC. Và tại một giải đấu của một nền bóng đá được đánh giá thấp hơn cả Việt Nam mà ông cũng không làm tốt, chẳng ai dám chắc rằng ông sẽ thành công với đội bóng áo tím cả.
Nỗi lo ấy đã trở thành sự thật, với việc HNFC để mất chiếc cúp V League vào tay Công An Hà Nội ở vòng đấu cuối cùng, mặc dù đã có cơ hội trong tay khi đối đầu trực tiếp với đối thủ này. Với các CLB khác, có thể coi vị trí á quân là một kết quả tích cực, nhưng với HNFC, việc tự đánh mất lợi thế và phải về nhì là khó chấp nhận được với CLB giàu truyền thống, tiềm lực và sở hữu lực lượng cả nội lẫn ngoại binh thuộc top 2, top 3 V League.
Thế nhưng, HNFC vẫn cứ chờ đến AFC Champions League, bởi họ cho rằng đây mới là sân chơi để HLV người Montenegro thể hiện tài thao lược. Nhưng “tài” chưa thấy đâu, HNFC đã “xỉu” trước các đối thủ rất mạnh, với 2 lần vỡ trận liên tiếp trước Pohang Steelers và Urawa Reds Diamond. Đến lúc ấy, người ta mới nhận thấy, ông thầy của HNFC không phù hợp và lập tức, ông Bandovic nhận được trát sa thải.
Nhìn lại quá trình ấy, càng về quãng cuối, ông Bandovic lại càng có những quyết định khó hiểu, và nó bộc lộ ngay ở chính giải đấu mà đội bóng thủ đô đặt trọn niềm tin vào chiến lược gia này. Tung ra hết cả 6 ngoại binh để đối đầu với cường địch trong khi chưa có sự kết nối rõ ràng với các nội binh, để rồi nhận 2 trận thua bẽ bàng, Hà Nội FC cuối cùng cũng học được bài học rằng, một HLV có bằng cấp, kinh nghiệm cũng không thể mang lại kết quả cuối cùng nếu như họ không phù hợp.
Sự thay đổi tuy chưa thể giải quyết hết các vấn đề, nhưng HNFC ít nhất cũng vực dậy được từ những thất bại và làm nức lòng NHM với 2 chiến thắng trước Vũ Hán Tam Trấn và Urawa Reds Diamond trên sân nhà. Còn người cũ của họ thì chuyển đến Thái Lan, và… lại bị sa thải sau đúng 5 trận.
4. Liên hệ từ ông Bandovic đến ông Philippe Troussier, dường như đang thấy có gì đó giống nhau trong câu chuyện này. Họ là HLV giỏi, không ai phủ nhận. Họ có bằng cấp, kinh nghiệm, không ai phủ nhận. Họ là những người từng ra biển lớn, cũng không ai phủ nhận. Nhưng ngay trước khi đến Việt Nam, họ đều đã trải qua một loạt thất bại, và khi vào thực chiến, cả hai đều bộc lộ vấn đề rất lớn và làm thất vọng các CĐV.
Với Hà Nội FC, câu chuyện tính qua từng mùa giải, nếu thất bại mùa này thì vẫn có thể nói mùa sau làm lại. Nhưng với đội tuyển Việt Nam, khái niệm ấy sẽ phải chờ 2-3 năm, thậm chí là 4 năm như một kỳ Asian Cup để có thể có lần sau. Và quãng thời gian ấy, đã có biết bao nhiêu sự thay đổi từ lực lượng, phong độ, như cái cách hàng chục trụ cột của năm 2018, 2019 đã không thể góp mặt tại Asian Cup 2024 sau 5 năm. Và người hâm mộ Việt Nam chưa chắc đã đủ kiên trì như bản hợp đồng của VFF để chờ đợi những giấc mộng thành hình từ tay chiến lược gia người Pháp.
Ông Troussier đang gặp nhiều vấn đề, và điều đáng lo là ông chưa làm được điều mà VFF cũng như NHM mong muốn khi chấp nhận trả mức lương cao nhất lịch sử cho một HLV, cùng một bản hợp đồng dài hạn. Cách đá của đội tuyển sau 1 năm, đều cho người ta cảm giác là chả có tiến bộ gì so với ông Park, thậm chí còn tệ hơn ông Park, khi Indonesia hơn 1 năm trước vẫn bị giải quyết chỉ bằng đúng 2 cú phất bóng của Hùng Dũng cho Tiến Linh, còn Indonesia của bây giờ thì đội tuyển Việt Nam còn suýt thua nhiều hơn 1 bàn nếu Filip Nguyễn không chạy mướt mồ hôi về khung thành trong phút cuối cùng.
Định hướng của ông Troussier, cách ông cố gắng chỉ ra những vấn đề của bóng đá Việt Nam, những phát biểu để tạo tinh thần, sĩ khí cho các cầu thủ, tất cả, ông đang làm tốt. Đó là điều nên được ủng hộ. Nhưng, mọi phát ngôn liệu có còn hợp lý, mọi bằng cấp liệu có nên được xem xét đưa vào nếu như cứ chơi trước Indonesia hay Iraq? Và VFF có kịp nhìn lại câu chuyện của Hà Nội FC với ông Bandovic để có những giải pháp hợp lý nhằm giúp ông Troussier gỡ rối, hay cứ qua mỗi trận thua, mỗi một chiến dịch thất bại, chúng ta lại phải tìm cách bảo vệ HLV người Pháp với những định hướng mà ai cũng biết là cả ông và Liên đoàn đều hướng đến?
Cập nhật tỷ lệ kèo đánh là ăn tại Bong Da INFO.