Tựu chung lại, thành tích của những Quang Hải, Công Phượng, Văn Toàn, Bùi Tiến Dũng,… ở Thường Châu năm 2018 thật sự khó để có thể tái lập với bất kỳ đại diện nào của Đông Nam Á.
U23 Việt Nam năm 2018 vẫn là quá khó để tái lập với cả Đông Nam Á
U23 Indonesia đã thất bại trước U23 Iraq trong hiệp phụ. Rõ ràng về mặt thể lực thì đại diện Tây Á vẫn nhỉnh hơn so với người Indonesia, và họ đã phát huy lợi thế này khi bước vào hiệp phụ, với khoảnh khắc của Ali Jassim. Một trận đấu mà U23 Indonesia cũng đã rất nỗ lực, nhưng dường như trận đấu với U23 Hàn Quốc đã là tới hạn của đội bóng này tại giải U23 châu Á năm nay, hai trận sau đó khi phải đá với mật độ dày thì chỉ khoảng 60-70 phút là các cầu thủ Indonesia đã xuống sức (nhất là các cầu thủ bản địa).
Không phủ nhận các cầu thủ Indonesia kiều đã nâng tầm về lối chơi cho đội bóng vạn đảo, góp phần kéo các cầu thủ trẻ bản địa đá lên chân. Nhưng rõ ràng những Uzbekistan hay Iraq đủ lọc lõi để đánh vào điểm yếu của Indonesia ở hai cánh (được trấn giữ bởi các cầu thủ Indonesia bản địa). Trong các trận đấu của tuyển Việt Nam với người Indonesia hồi tháng 1 và tháng 3, các cầu thủ của chúng ta cũng đã khai thác điểm yếu này nhưng các trung vệ “hàng Tây” của Indonesia đã bọc lót tốt.
Pratama Arhan, cầu thủ có những quả ném biên nguy hiểm của Indonesia, lại chính là một điểm yếu để Uzbekistan hay Iraq khai thác. Hai bàn thua bước ngoặt của Indonesia (bàn mở tỷ số của Uzbekistan và bàn nâng tỷ số của Iraq) đều có sai số từ cánh của Arhan, khi anh này đã đuối sức và không thể kịp về bọc lót cho đồng đội, trong khi trung vệ không nhận được sự hỗ trợ kịp thời và phán đoán sai tình huống ở phía cánh đó dẫn đến để hở sườn và nhận bàn thua. Không phải ngẫu nhiên mà ông Shin Tae-Yong đã chấm một cầu thủ gốc Indonesia khác đang chơi bóng ở xứ sở hoa tulip là Calvin Verdonk (cũng có sở trường là hậu vệ cánh trái) nhằm nâng cấp vị trí hậu vệ cánh trái cho Indonesia.
Trong số dàn cầu thủ bản địa Indonesia, Marselino Ferdinan là người để lại ấn tượng mạnh nhất tại giải lần này. Pratama Arhan như đã nói, vẫn những quả ném biên chết chóc, trực tiếp/gián tiếp đem về bàn thắng, cơ hội nguy hiểm; nhưng như đã nói, anh cũng là một điểm yếu của Indonesia. Bên cạnh đó, một số cái tên như Ridky Ridho, Ari… cũng chơi ở mức tròn vai tại giải lần này.
Tựu chung lại, U23 Indonesia đã có giải đấu vượt kỳ vọng, và họ vẫn còn một cơ hội nữa để đi Olympic bằng trận play off với U23 Guinea.
Tuy nhiên, U23 Guinea được đánh giá rất mạnh, mạnh hơn những Iraq hay Uzbekistan, vì họ có tố chất của cầu thủ châu Phi: nhanh, khỏe, mạnh về thể chất; nhiều cầu thủ đang thi đấu ở châu Âu. Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý là không rõ U23(+3) Guinea có được các CLB ở châu Âu nhả người để đá trận đấu này hay không, do mùa giải ở châu Âu đang đi vào hồi kết và các đội không muốn tổn thất lực lượng cho giai đoạn quan trọng. Bản thân U23 Guinea cũng không có trận đấu nào trong thời gian qua (trận đấu gần nhất là trận thua 0-3 trước U23 Mỹ). Trong khi đó, U23(+3) Indonesia khả năng sẽ có lực lượng mạnh nhất tham dự trận play-off lần này và chí ít họ vẫn giữ được nhịp độ thi đấu thời gian qua, đó là một lợi thế cho họ trước trận play-off diễn ra sau đây 1 tuần ở Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ INF Clairefontaine của Liên đoàn bóng đá Pháp (dự kiến vào đêm 09.5 theo giờ Việt Nam). Vậy nên cơ hội vẫn được chia đều cho cả hai bên.
Tựu chung lại, thành tích của những Quang Hải, Công Phượng, Văn Toàn, Bùi Tiến Dũng,… ở Thường Châu năm 2018 thật sự khó để có thể tái lập với bất kỳ đại diện nào của Đông Nam Á, thậm chí ngay cả chính U23 Việt Nam chúng ta. Năm đó chúng ta hiên ngang loại lứa Iraq trước đó vẫn còn những cái tên đã tham dự Olympic Rio, loại thế hệ vàng được đầu tư của bóng đá Qatar và chỉ chịu thua sát nút trước “thế lực bóng đá trẻ” Uzbekistan ở phút cuối. Đó vẫn là kỳ tích của bóng đá nước ta và cả Đông Nam Á.
Người Indonesia có quyền gáy họ được dự Olympic nếu họ có thể đả bại Guinea (dù thực lực tương đối khó), nhưng họ vẫn chưa thể có được kỳ tích như Việt Nam chúng ta, chúng ta vẫn có quyền tự hào mà. Dù vậy, phải nói thật, Erick Thohir và các cộng sự PSSI đang thi triển khá tốt chiến lược ngắn hạn nhập tịch (nhằm nâng tầm đội tuyển nhanh chóng, gột rửa những vết nhơ, án cấm của bóng đá nước này trước đây), vừa kết hợp chiến lược dài hạn là nâng cấp nền tảng (vốn đã sẵn nguồn lực đào tạo trẻ với thành tích đều đặn vào bán kết SEA Games), và hy vọng Thohir sẽ “nâng cao chất lượng giải vô địch quốc gia” như vị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhà nước Indonesia này đã hứa khi nhậm chức. Họ sẽ là một thế lực của bóng đá Đông Nam Á trong vài năm tới, khi cả Việt Nam chúng ta và Thái Lan, đang bắt đầu có sự chuyển giao sang thế hệ mới.
Chúng ta cứ chê họ “nhập tịch”, là Indonetherlands, nhưng mỗi nước có một chiến lược phát triển khác nhau, ngay cả Thái Lan họ cũng rốt ráo tìm nguồn Thái kiều, nhập tịch trong những năm qua. Rõ ràng VFF vẫn mở cửa cho nguồn lực kiều bào, hoặc “nhập tịch” có thể cống hiến cho bóng đá Việt Nam, nhưng khó ở chỗ, kiếm tìm cá nhân đủ phù hợp, đủ chất lượng và đạt yêu cầu cả về luật pháp và chuyên môn thì khó và không có nguồn đa dạng như người Indonesia, có lẽ vì yếu tố lịch sử. Nhưng nếu Rafaelson, Hendrio, Rimario hay một vài cái tên khác, có thể nói được tiếng Việt hay hát được thành thục Quốc ca Việt Nam như Rufino Aybar hay Andrea Aybar, thì người hâm mộ ta luôn sẵn sàng đón họ cống hiến cho đội tuyển quốc gia Việt Nam, nâng tầm đội tuyển để cạnh tranh với các quốc gia khác ở châu Á.
Cập nhật tỷ lệ kèo đánh là ăn tại Bong Da INFO.