Hà Nội (lại) vô địch U19 năm nay. Đây đã là chức vô địch thứ 7 của họ sau 17 năm thành lập. Một đội bóng từng bị dè bỉu rằng chỉ biết mua sao, nhưng họ đã chứng minh điều ngược lại khi cho thấy sự thống trị ở các cấp độ trẻ tiệm cận với chuyên nghiệp nhất – U19 và U21.
Hà Nội FC không bao giờ thống trị được giải U15 và U17.
Nhưng tại sao Hà Nội vô địch 2 cấp độ này nhiều như vậy mà thành tích ở các lứa thấp hơn như U15, U17 lại gần như bằng 0? Mình tin câu hỏi này cũng là thắc mắc của nhiều anh em quan tâm tới bóng đá trẻ Hà Nội hay Việt Nam.
Mình thú nhận là mình không theo dõi bóng đá trẻ quá sát sao, những ý trong bài đa phần do được tham khảo từ một số người làm trong nghề, cộng thêm một chút hiểu biết khái quát về bóng đá Việt Nam để viết ra bài này. Bài có thể mang tính chủ quan một chút.
Nói qua về mô hình đào tạo trẻ của Hà Nội, đội bóng đang đi con đường giống với các đội bóng chuyên nghiệp trên thế giới: có các lò vệ tinh (trung tâm VSH ở Nghệ An và trung tâm ở Bắc Giang), liên kết với các trung tâm bóng đá cộng đồng, lò năng khiếu địa phương (Gia Lâm, Thái Bình…) để tuyển chọn cầu thủ.
Tới 15 tuổi, các cầu thủ quy tụ về trung tâm bóng đá trẻ Hà Nội (đóng quân tại Nhổn) để hình thành lên đội U15 Hà Nội. Cứ như thế, các cầu thủ trẻ tiến lên các nấc U17, U19, U21… Mỗi năm sẽ có các đợt thanh lọc cầu thủ, ai ko đủ tiêu chuẩn sẽ bị thanh lý hợp đồng, hoặc nhận thêm các cầu thủ trẻ “dạt” về từ các trung tâm khác.
Tới năm 2023 sau khi để mất sự liên kết với lò Gia Lâm vào tay đội khác, Hà Nội đã bắt đầu tự đi tuyển quân trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành lập thêm đội U13.
Từ mô hình trên, dễ dàng có thể nhận thấy tới khi 15 tuổi, “tinh hoa” của trẻ Hà Nội mới được quy tụ lại một nơi, dẫn tới độ ăn ý của các cầu thủ chưa thể bằng so với các lò đã tập cùng nhau từ hồi 10, 11 tuổi. Ngoài ra ở độ tuổi 15-17, ý thức chiến thuật của các cầu thủ trẻ chưa nhiều, vẫn chơi bóng theo bản năng là chính.
So về tố chất, chất lượng cầu thủ lò Hà Nội chưa thể sánh bằng các lò khác, bởi đầu vào của các cầu thủ trẻ Hà Nội không phải “hàng loại 1”:
‣ Mạng lưới liên kết của Hà Nội không đủ sâu và rộng như Viettel hay PVF.
‣ Ở miền Bắc, phụ huynh thường muốn con mình vào Viettel hay PVF hơn vì yếu tố cơ sở vật chất.
‣ Đối với khu vực Nghệ An, các cầu thủ trẻ Nghệ – Tĩnh chất lượng nhất được tuyển chọn vào lò trẻ của Sông Lam Nghệ An thay vì lò VSH.
Vậy theo mình, lý do U15 – U17 Hà Nội chưa thành công là do tới 15 tuổi mới tập cùng nhau cũng như đầu vào cầu thủ không tốt bằng các lò khác.
Nhưng, để một cầu thủ trẻ phát triển thành một cầu thủ chuyên nghiệp sẽ là tổng hòa của nhiều yếu tố, mà tố chất chỉ là điểm khởi đầu. Hà Nội có những yếu tố hay hơn các lò trẻ khác, giúp các lứa U19 – U21 của họ thống trị bóng đá Việt Nam.
Điều quan trọng nhất để đem tới thành công chắc chắn phải là dàn HLV của các đội trẻ. Hà Nội đầu tư khá nhiều vào đội ngũ “gõ đầu trẻ” khi có nhiều cái tên gạo cội: Hoàng Văn Phúc, Đinh Thế Nam, Phạm Minh Đức,… Ngoài ra đây cũng là môi trường đã đào tạo ra nhiều HLV sau này dẫn dắt các đội bóng ở V.League: Vũ Hồng Việt, Dương Hồng Sơn, Thạch Bảo Khanh, Nguyễn Đức Thắng,… Điều đó đã chứng tỏ được chất lượng HLV của trẻ Hà Nội. Và khi có thầy hay, ắt sẽ có trò giỏi.
Giải U19 quốc gia 2024 vừa qua là minh chứng rõ ràng để nói lên tầm quan trọng của chiến thuật giúp U19 Hà Nội đăng quang. Dù chất lượng đội hình không tốt bằng Sông Lam Nghệ An hay Viettel, nhưng Hà Nội vẫn đầy bản lĩnh để vượt qua.
Ở trên mạng xã hội, có thể bạn đã từng thấy clip HLV Phạm Minh Đức nói với các học trò rằng “đá bóng là phải… cay cú, ăn thua”. Đối với đại đa số dân Việt Nam bị nhồi sọ bởi tư duy “đá đẹp thua cũng sướng”, có thể câu nói này sẽ làm họ khó chịu. Nhưng họ đâu nghĩ được rằng những lời nói như thế giúp các cầu thủ có thêm khát khao, động lực thi đấu. Tôn chỉ “về nhì là thất bại” luôn được các HLV trẻ Hà Nội truyền dạy cho các cầu thủ.
Để nói về sự thành công của U19 – U21 Hà Nội, có một yếu tố khác mang nặng tính chủ quan là môi trường. Cơ sở vật chất của trung tâm bóng đá trẻ Hà Nội tại Nhổn tuy không thiếu thốn nhưng cũng không được đầu tư quá hiện đại, mới dừng lại ở mức đủ dùng. Nhưng chính vì thế mà khiến cầu thủ có thêm những khát vọng vượt khó, phấn đấu hơn.
Điều này tương tự ta có thể thấy ở cầu thủ Sông Lam Nghệ An, tuy họ không thành công ở U19 hay U21 nhưng lại đội bóng giới thiệu cho V.League nhiều cầu thủ trẻ nhất. Ở chiều ngược lại, dấu hỏi sẽ được đặt cho PVF khi họ chưa thành công so với mức đầu tư, có phải một trong các lý do là khát khao của các cầu thủ không đủ?
Để kết bài, mình mong lứa U19 Hà Nội 2024 sẽ cố gắng phát triển để trở thành “Hà Tĩnh” tiếp theo mà Hà Nội tạo ra. Thành công của các lứa trẻ Hà Nội sẽ là tiền đề giúp đội 1 chinh phục nhiều thành tích hơn.
Còn với câu hỏi đặt ra ở đầu bài viết, mình nghĩ nó không quá quan trọng để trở thành vấn đề và phải tìm cách giải quyết.
Suy cho cùng, mục đích của bóng đá trẻ là đào tạo ra những cầu thủ chất lượng phục vụ bóng đá chuyên nghiệp, và thành tích của các cấp độ trẻ không cần đặt nặng.
Tìm hiểu bongdalive để không bỏ lỡ những trận bóng hay tỷ lệ jefo thưởng cao mỗi ngày.